Client Login

Contact Us

  • Điện thoại:028 35 232 797
  • Email:sales@topo.vn
  • Skypefasollafsl

Close Support

Support

CIEM: Tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt 6,82% năm 2016

CIEM: Tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt 6,82% năm 2016
  • 28
    Jan

CIEM: Tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt 6,82% năm 2016

(ĐTCK) Đây là dự báo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) được đưa ra tại Hội thảo “Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý IV và năm 2015” diễn ra chiều hôm nay 28/1/2016.

Tại Hội thảo, ThS. Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Kinh tế vĩ mô – CIEM đã thay mặt Nhóm nghiên cứu trình bày Báo cáo “Kinh tế Việt Nam: Kết quả 2015 và triển vọng 2016”.

Theo đó, về triển vọng kinh tế Việt Nam 2016, CIEM dự báo năm 2016, tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,82%, lạm phát 4,37%, tăng trưởng xuất khẩu 10,4%, cán cân thương mại -4,1 tỷ USD.

Nhìn lại năm 2015, nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội đã vượt mục tiêu đề ra, như GDP tăng 6,68%, tương đối cao so với mục tiêu 6,2%, lạm phát 0,6%, tăng trưởng tín dụng ước đạt trên 18%, giải ngân FDI đạt 14,5 tỷ USD, tăng đáng kể so với nhiều năm trước.

Mặc dù vậy, theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, nếu nhìn riêng một vài chỉ tiêu như tăng trưởng, lạm phát thì mọi thứ có vẻ tốt lên, nhưng nếu nhìn xâu chuỗi các chỉ tiêu khác như thu chi ngân sách, nợ công, tỷ giá, năng lực cạnh tranh… thì còn rất nhiều vấn đề và điều này cho thấy nhà quản lý vẫn rất lúng túng trong cách điều hành.

Đánh giá về cơ hội phát triển trong năm 2016, theo nhóm nghiên cứu, Việt nam có thể tiếp đà cải cách vi mô và tái cơ cấu nền kinh tế trong năm 2015.

Năm 2016, đầu tư tư nhân và FDI có triển vọng tăng nhờ môi trường được cải thiện, đầu tư công có thể tăng nhanh trong năm đầu của khung đầu tư trung hạn 2016-2020. Ngoài ra, cơ hội cũng đến với Việt Nam từ hàng loạt các Hiệp định thương mai tự do thế hệ mới đã, đang và sắp ký kết, thực hiện.

Bên cạnh các cơ hội, nhóm nghiên cứu của CIEM cũng đặt ra một số rủi ro, bất định tác động đến kinh tế Việt Nam 2016 như đà phục hồi chậm của các quốc gia phát triển, xu hướng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi (riêng vốn rút khỏi Trung Quốc từ 6/2014-11/2015 là 1.000 tỷ USD), giá nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới giảm, bao gồm các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam.

Cũng theo Ths.Nguyễn Anh Dương, bất định còn đến từ môi trường chính sách trong nước. Các vấn đề được đặt ra là áp lực đối với tỷ giá và lãi suất trong nước khi USD và lãi suất ở Mỹ tăng, áp lực từ phát hành trái phiếu chính phủ đối với lãi suất và tín dụng cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, rủi ro lạm phát do thâm hụt ngân sách Nhà nước kéo dài, do tăng giá các mặt hàng, dịch vụ nhà nước kiểm soát giá, việc tăng lương, chi phí cho doanh nghiệp.