Close Support
Bài viết “Facebook đang trở thành một con quái vật tuyên truyền thông tin sai lạc” của tác giả nổi tiếng người Mỹ J. Rappoport tiếp cận vấn đề này từ một góc độ riêng. Chúng tôi giới thiệu bản lược dịch bài viết để bạn đọc tham khảo.
“Tóm lại, phần lớn các nguồn tin được coi là chính thống hiện nay đều là sản phẩm của sự thêu dệt. Mỗi ngày, họ đăng tải bao thứ giật gân: những câu chuyện bị tách rời bối cảnh, những lời nói dối trắng trợn, những tuyên bố giả mạo về sự đồng thuận của số đông trong nhiều vấn đề. Những thủ đoạn mới tinh vi hơn của sự kiểm duyệt đang được hình thành. Nhiều nguồn tin nặc danh mạo xưng là ý kiến của các đảng phái.
Rõ ràng là chúng ta đang bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn tin từ “các chuyên gia” và yên tâm đó là sự thật. Không ngờ, những người này chỉ đang “sản xuất sự thật” theo yêu cầu của Chính phủ, các tập đoàn hay những kẻ có quyền lực. Bởi lẽ, rất nhiều tờ báo đang chìm ngập trong nợ nần. Họ đang phá sản.
Ngay cả các tờ báo lớn như New York Times cũng rơi vào cảnh này. Các thế lực này đã cứu những kênh thông tấn chính thống cốt để họ tiếp tục xuyên tạc sự thật bằng việc gieo rắc những hình ảnh sai lạc. Và ai đang điều hành báo in? Câu trả lời có lẽ là những “con quái vật” mạng xã hội đang liên kết với CIA” (ý kiến của J. Rappoport đã đăng trên The Underground).
Ngày 15/11/2013, theo thống kê của trang softonic.com: “Chỉ có 3% số người Mỹ sử dụng mạng xã hội Reddit (mạng này gần như đứng cuối bảng xếp hạng). Facebook (FB) đứng đầu danh sách khi có tới 64% số người Mỹ truy cập. Đáng chú ý, 30% số người dùng FB chỉ đọc tin tức từ các nguồn chia sẻ trên mạng xã hội này. Bạn đọc có thể tham khảo qua bài viết có nhan đề News Use Across Social Media Platforms (tạm dịch: Sử dụng tin tức trên các diễn đàn truyền thông xã hội) đăng trên journalism.org.
Nếu các thống kê ấn tượng kia chưa đủ làm bạn bận tâm thì con số 1,25 tỷ người trên khắp thế giới sử dụng FB trên điện thoại di động đủ khiến giật mình. Và giờ đây, FB đã chính thức lao vào ngành kinh doanh báo chí với một chương trình có tên là Instant Articles.
Chương trình này dựa trên các thiết lập cơ bản: các hãng truyền thông chính thống đăng tải những tin tức mới của họ trên FB, sau đó hơn một tỷ người dùng FB sẽ đọc chúng. FB trở thành huyết mạch liên kết độc giả với các tờ báo và hãng tin truyền thống. The New York Times, BuzzFeed đã liên minh với FB, sau đó tiếp đến The National Geographic, NBC News, BBC News, The Guardian, The Atlantic, Spiegel, Bild. Và sẽ còn nhiều tờ báo khác có mặt trên FB.
Một người dùng FB thừa nhận: “Vâng, tôi là một người sử dụng FB. Tôi chẳng mất thời gian tìm kiếm một tờ báo mạng để đọc bài viết của họ. Nhưng giờ mọi thứ rất tuyệt. Chỉ với FB, tôi có thể đọc được mọi tin tức cần thiết. Tôi cũng không rõ FB là gì? Nó không hẳn là Internet mà là thế giới ảo của tôi – nơi tôi đang sống”.
FB đã “giải cứu” các hãng tin chính thống bằng cách cho phép họ liên tục xả ra các thông tin sai lệch (Tương tự là Apple. Để hiểu thêm về tập đoàn này, các bạn có thể xem bài Apple – mind control News App is on the way – tạm dịch: ứng dụng tin tức mang tính kiểm soát tâm trí của Apple sắp ra mắt, trên blog của tôi).
Vậy chính xác thì FB là gì? Mạng xã hội này bắt đầu được quan tâm từ năm 2004. Thời điểm ấy, tập đoàn Accel Partners (tập đoàn chuyên đầu tư vào các công ty tiềm năng) đã tài trợ một khoản tiền lớn cho công ty non trẻ của M. Zuckerberg (người sáng lập FB). Theo đó, người đứng đầu Accel là ông J. Breyer đã “bơm” cho FB một “quả bom” tiền lên tới 13 triệu USD.
Đến giờ, chưa công ty nào được biệt đãi như vậy. Nhưng có một việc mà ít ai chú ý: trước đó ít lâu, một người đàn ông tên là G. Louie bỗng có mặt trong hội đồng quản trị NVCA (Quỹ đầu tư các dự án mạo hiểm về khoa học – công nghệ của Chính phủ Mỹ). Càng bất ngờ hơn khi biết rằng G. Louie là giám đốc điều hành đầu tiên cho In-Q-Tel, một dự án quan trọng của CIA. In-Q-Tel thành lập năm 1999 với mục đích tài trợ cho các công ty phát triển công nghệ “thu thập dữ liệu” CIA sẽ sử dụng trong tương lai.
J. Breyer không chỉ thân với cựu nhân viên CIA G. Louie (năm 2004, Louie đã có thời gian ngắn làm việc tại tập đoàn công nghệ BBN do chính Breyer điều hành). Một đồng sự khác của Louie cũng gia nhập BBN là Tiến sĩ A. Jonesv.
Giống như Louie, Jones từng làm việc tại In-Q-Tel và là cố vấn của DARPA – bộ phận công nghệ của Lầu Năm Góc có nhiệm vụ hỗ trợ sự phát triển Internet. Có các mối quan hệ phức tạp với cả CIA và DARPA, không ai ngạc nhiên khi Breyer góp một khoản đầu tư lớn cho FB như vậy, nhưng chưa bao giờ được nhắc đến trong sự nghiệp “huyền thoại” của M. Zuckerberg. Và ông ta cũng biết rằng tốt nhất là lờ việc này đi. Có ai dại gì mà thừa nhận FB với các dữ liệu đời tư cá nhân bất tận, một công cụ theo dõi người sử dụng chính là một tài sản lý tưởng của CIA?
Chúng ta còn nhớ thời điểm FB bắt đầu chào bán cổ phiếu công khai. Đến tháng 5/2012 cổ phiếu FB đã xuống giá. Và ngày 17/8/2012 nó sụt giảm nghiêm trọng từ 42,05 USD xuống 21,81 USD. Trong lần xuống giá này, nhiều người góp vốn cho FB đã bán tống, bán tháo cổ phiếu của họ, đó là một sai lầm tai hại.
Thời điểm ấy, tôi đã bình luận: “Phi vụ FB dường như có sự can thiệp và ép giá của giới đầu cơ. Đó là cách các đại gia lớn dùng để thâu tóm các công ty nhỏ. Ban đầu, các nhà đầu tư hạ giá cổ phiếu xuống thấp, sau đó mua cổ phiếu vào một cách nhỏ giọt từ những tay buôn non gan, thậm chí là những người cộng tác với họ. Khi các cổ phiếu có dấu hiệu biến động, họ sẽ lặng lẽ mua về nhiều cổ phiếu nhất có thể. Cuối cùng, khi cổ phiếu chạm đáy, họ làm mọi cách để thổi giá và thắng lớn (…).
Công ty FB là một tài sản quan trọng khi nó là cơ sở dữ liệu của cơ quan tình báo, và chẳng có lý do gì để nó rơi vào khủng hoảng hay hỗn loạn. CIA làm vậy cốt để bảo vệ và tăng cường thế lực cho FB mà thôi. Đấy là những gì mà họ mong muốn nhất”. Đó là dự đoán của tôi. Và ngày hôm nay, sau một thời gian tăng giá dài, cổ phiếu FB được niêm yết trên thị trường với giá 87,88 USD, gấp bốn lần khi nó rớt giá thê thảm vào năm 2012. FB đã được “cứu sống” như thế đó và đằng sau nó còn nhiều chuyện khác.
M. Zuckerberg bắt đầu được chú ý khi còn là một đứa bé đến tham dự trại hè dành cho trẻ em đặc biệt CTY – một dự án của Đại học John Hopkins. CTY cũng theo dõi nhiều học viên khác. Một số sau này trở thành người nổi tiếng như: S. Brin (người đồng sáng lập Google), hay L.Gaga (nữ ca sĩ nổi tiếng).
Như nhiều trại hè tương tự trên đất Mỹ, CTY được mở ra nhằm phát hiện, hỗ trợ những tài năng đặc biệt. Nhiều cơ quan của Mỹ, như CIA, thường xuyên theo dõi sự tiến bộ trong học tập, đời sống của các trẻ em đặc biệt này để tuyển chọn người phù hợp với các hoạt động của họ.
Khi Zuckerberg mới chỉ sáng lập một mạng xã hội nội bộ tẻ nhạt của Đại học Havard và có ý định kinh doanh, ngay lập tức các nhân viên CIA đã nhận ra khả năng đánh cắp dữ liệu ưu việt của nó. Bằng các tiểu xảo được tôi mô tả trong phần trước, CIA đã nhúng tay vào FB với các hình thức cho vay, tài trợ.
Và giờ, FB tiếp tục bành trướng thế lực khi vươn tay ra cứu vớt các hãng tin chính thống bằng cách cho phép họ lừa cư dân toàn cầu với những thông tin sai lệch. Thực ra, việc làm này khá phổ biến trong giới tình báo. Từ những ngày đầu thành lập, CIA đã triển khai Operation Mockingbird (chiến dịch Chim nhại) nhằm lợi dụng các kênh truyền thông chính thống để cổ động, che giấu nhiều hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc Chính phủ.
Đến năm 1953, Allen Dulles, Cord Meyer và Frank Wisner đã chi phối được ít nhất 25 tờ báo và dịch vụ tin tức. Trong số này, có cả: The New York Times, CBS, Time, Life, Newsweek, Washington Post, Copley New Service và Christian Science Monitor.
CIA không chỉ thao túng các phóng viên. Trong danh sách của chiến dịch Chim nhại có cả những “ông trùm truyền thông” của các hãng CBS, Time, Life, The New York Times, Copley và ông chủ bút tờ Washington Post. Những cái tên được tiết lộ gồm: B. Paley, H. Luce, A. Sulzberger, J. Copley và A. Friendly. Đó là các tờ báo và nhân vật nổi tiếng từng bị CIA nhúng tay can thiệp.
Và bây giờ, trong thời đại kỹ thuật số, khi chiến dịch Chim nhại trong ngành công nghiệp truyền thông tỏ ra thiếu hiệu quả, họ lại có FB. Một lần nữa, CIA đã nắm cương được nó. Hãy xem xét những thí dụ nhảm nhí từ các phương tiện truyền thông sai sự thật trong 7 – 8 năm qua đã bị lật tẩy trên internet về: phim Fast and Furious 7, dịch cúm lợn, bảo hiểm Obamacare, thực phẩm biến đổi gen, các hiệp ước thương mại, thuốc an thần, chương trình khởi nghiệp cho trẻ em, sự nóng lên toàn cầu, NATO, vũ trang hóa cho lực lượng cảnh sát…
Danh sách thực tế còn dài hơn nhiều. Sự bóc mẽ này quả thực đã gây choáng váng nhất trong thời đại xã hội thiếu niềm tin vào truyền thông. Họ phải chờ một thời gian dài để phản công. Và FB với những nô lệ của nó đang tấn công lại chúng ta. Đây là “sản phẩm” mới nhất của chiến dịch Chim nhại.
Nhìn bề ngoài, thì FB có vẻ lành tính so với các phương tiện báo chí chính thống. Nhưng đó vẫn chỉ là thứ bình mới rượu cũ (cung cấp thông tin sai sự thật cho công chúng). FB có hơn một tỷ người sử dụng. Phần lớn họ chỉ dành thời gian để đăng tải những bức ảnh của mình và tán dóc những chuyện hời hợt. Họ dễ dàng bị thôi miên bởi những dòng thông tin sai sự thật. Cuối cùng, những tâm hồn thụ động đó không còn phân biệt được đâu là thế giới thực, đâu là thế giới ảo.
Jon Rappoport là nhà báo Hoa Kỳ, từng được đề cử giải thưởng Pulitzer. Trước khi nghỉ hưu, Jon là phóng viên điều tra. Suốt 30 năm làm việc, ông có nhiều bài viết về chính trị, y học và sức khỏe cho nhiều tờ báo. Ông cũng là diễn giả tại nhiều hội thảo trên thế giới về các chủ đề chính trị toàn cầu, sức khỏe, logic, sức mạnh của sự sáng tạo. Trên trang jonrappopor, ông thường xuyên đăng tải các bài bình luận về nước Mỹ và thế giới. Bài viết Facebook đang trở thành một con quái vật tuyên truyền thông tin sai lạc (Facebook becomes Godzilla news outlet for disinformation) được Jon Rappoport đăng tải trên blog của ông ngày 24-6-2015.